Australia: Trưng cầu ý dân để công nhận và gia tăng tiếng nói cho người bản địa
Thông tin từ Ủy ban bầu cử Australia cho thấy 17,6 triệu người dân nước này đã đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày hôm nay. Tuy vậy số người đi bỏ phiếu sớm đã lên đến hơn 8,4 triệu người, tương đương với gần 48%. Việc công nhận người bản địa là một vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Australia từ rất nhiều năm nay. Mặc dù cho đến lúc này, người bản địa đã có đầy đủ quyền của một công dân Australia song cuộc sống của những người bản địa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã quyết định tổ chức trưng cầu ý dân nhằm sửa đổi Hiến pháp để công nhận quyền và gia tăng tiếng nói cho người bản địa.
Đa phần người dân Australia đều mong muốn cải thiện cuộc sống của người bản địa song việc sửa đổi Hiến pháp để làm điều này lại là một vấn đề khác. Vì thế, tại Australia đang tồn tại 2 luồng quan điểm về vấn đề này. Những người nói “Có”, tức là ủng hộ việc sửa Hiến pháp thì cho rằng người bản địa cần được chính thức công nhận trong văn bản pháp lý tối cao nhất của nước này và đây sẽ là tiền đề để Australia thành lập 1 ủy ban, có tên gọi là The Voice nhằm đóng góp ý kiến với chính phủ và Quốc hội trong các vấn đề liên quan đến người bản địa. Những người nói “Không”, tức là không ủng hộ việc sửa Hiến pháp vì cho rằng việc làm này ẩn chứa nhiều rủi ro pháp lý và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác mà chưa thể lường trước được.
Đây là lần thứ hai Australia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nhằm lấy ý kiến của người dân về việc có công nhận người bản địa hay không. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, người dân Australia sẽ nói Có hoặc Không đối với những đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm công nhận người bản địa và gia tăng quyền cho người bản địa. Mặc dù kết quả có như thế nào thì một lần nữa, sau gần 60 năm, người dân Australia lại được bày tỏ ý kiến của mình về một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại đất nước này trong hàng trăm năm qua.
Thực hiện: Việt Nga/ VOV Australia