Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

Bảo tồn chi thể ở người trẻ ung thư xương giúp bệnh nhân tự tin hoà nhập cộng đồng

Hiện nay 80 -90 % bệnh nhân ung thư xương được thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u và bảo tồn chi thể. Điều này rất ý nghĩa với người trẻ, giúp họ tự tin tham gia học tập, làm việc bình thường sau điều trị.
19:30 - 07/10/2024

BẢO TỒN CHI THỂ Ở NGƯỜI TRẺ UNG THƯ XƯƠNG GIÚP BỆNH NHÂN TỰ TIN HOÀ NHẬP CỘNG ĐỒNG

Trước đây, với người bệnh ung thư xương sau khi điều trị nếu giữ được tính mạng thì cũng sẽ đối mặt với nguy cơ cụt chi. Điều này khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn về tâm lý cũng như hòa nhập với cộng đồng, trở thành gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, hiện nay 80 -90 % bệnh nhân ung thư xương được thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u và bảo tồn chi thể.

Ung thư xương ác tính phổ biến nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên, nhưng là một bệnh lý ác tính hiếm gặp. Hầu hết các khối u này phát triển ở phần cuối của các xương dài, phổ biến nhất ở đầu gối. Vị trí phổ biến thứ hai của những khối u này là ở phần cuối của xương cánh tay gần với khớp vai. Chúng cũng có thể được tìm thấy ở những nơi khác, như xương chậu, vai và hộp sọ với tỷ lệ không cao. Nếu như trước đây chủ yếu cắt bỏ chi thể khi điều trị triệt căn ung thư thì nay ưu tiên bảo tồn chi thể. Bởi thời gian sống của bệnh nhân giữa bảo tồn và cắt bỏ hoàn toàn không thay đổi, kết quả sống phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện và điều trị sớm.

Hầu hết mọi bệnh nhân đều mong muốn bảo tồn chi hơn là cắt cụt chi, nhưng đó là một ca phẫu thuật phức tạp và có thể có nhiều biến chứng hơn. Nếu cắt cụt chi, bệnh nhân sẽ cần học cách sống chung và sử dụng chân giả. Tuy nhiên chi phí dùng chân giả có khi còn lớn cuộc phẫu thuật bảo tồn. Đặc biệt cắt cụt chi cũng không khỏi hoàn toàn được bệnh. Trong khi người trẻ còn nguyên vẹn chi thể, họ có thể quay trở lại tái hoà nhập cộng đồng với một tâm thế tự tin, vui vẻ sống một cuộc đời có ý nghĩa./.

Thực hiện: Mai Lan, Lê Thanh