Cần chăm sóc đặc biệt bệnh nhi mắc xuất huyết giảm tiểu cầu
Bệnh nhi Hà Bích Hảo, 4 tuổi, đã điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu được 1 năm nay tại Khoa bệnh máu Trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Từ khi 3 tuổi, do đang trong độ tuổi hiếu động, em thường xuyên chạy nhảy, nô đùa, khi ấy, trên người em xuất hiện rất nhiều vết bầm tím dày đặc, khi có vết xước xát dù nhỏ nhưng cũng rất khó để cầm máu. Lo lắng, chị Nguyễn Thị Xuyến, mẹ em Hảo đã đưa em đi khám và nhận được kết luận em mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
Xuất huyết giảm tiểu cầu là trạng thái xuất huyết do giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương hay tiểu cầu bị phá hủy quá nhiều ở máu ngoại vi. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể bệnh nhi sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Từ đó, gây nên nhiều biến chứng khá nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ như: Chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, thậm chí có thể gây ra xuất huyết não, màng não ảnh hưởng tới tính mạng. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, quá trình điều trị cũng cần một khoảng thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe thậm chí là tính mạng.
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là quá trình giảm các triệu chứng chảy máu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ, giúp trẻ có đủ cơ hội lớn lên và phát triển như bạn bè cùng trang lứa. Khi chăm sóc bệnh nhi mắc xuất huyết giảm tiểu cầu, các bậc phụ huynh cần lưu ý tránh cho con tham gia các hoạt động vận động mạnh, dễ gây chấn thương; theo dõi thường xuyên số lượng tiểu cầu và theo dõi các triệu chứng chảy máu; biết cách cầm máu trong trường hợp trẻ có các vết thương hở; chú ý tham vấn ý kiến của bác sĩ và chuyên gia y tế đối với các loại thuốc cho trẻ dùng.
Thực hiện: Diễm Hương - Đức Thành