Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

Cẩn trọng bệnh lý tiền sản giật ở phụ nữ mang thai

Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nặng nề cho cả thai phụ và thai nhi như: phù não, suy thận cấp, rối loạn động máu, thai chậm phát triển, thai chết lưu, sinh non…
14:33 - 22/07/2024

Cẩn trọng bệnh lý tiền sản giật ở phụ nữ mang thai

Mang thai tuần thứ 32, thấy dấu hiệu 2 chân phù nhiều, sản phụ 44 tuổi này đến thăm khám ở Bệnh viện Bưu Điện và được các bác sĩ chẩn đoán tiền sản giật thai kỳ ở mức độ nhẹ.

Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, thường gặp trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với những triệu chứng như tăng huyết áp, protein niệu và phù. Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy vậy, tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh.

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ thai phụ nào cũng có nguy cơ mắc tiền sản giật. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn ở những thai phụ mang thai ở độ tuổi trên 40, mang thai lần đầu; với các thai phụ bị tăng huyết áp, béo phì, tăng cân trong thai kỳ, thai phụ có thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe như hút thuốc lá, rượu bia...; tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận…

Để giảm nguy cơ bị tiền sản giật, sản phụ cần duy trì cân nặng hợp lý từ trước và trong suốt quá trình mang thai. Thường xuyên vận động hoặc tập thể dục phù hợp, đều đặn và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Ngay từ những tháng đầu thai kỳ, sản phụ cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát tiền sản giật để chủ động phòng ngừa và điều trị. Trong 3 tháng cuối, khi có những biểu hiện bất thường liên quan đến tiền sản giật như tăng huyết áp, phù chân, sản phụ cần khám thai thường xuyên để bác sĩ tư vấn kịp thời.

Thực hiện: Hồng Thúy – Đức Thành