Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lác mắt ở trẻ
Phát hiện con có dấu hiệu hay nhìn lệch khi lên 4 tuổi, anh Trịnh Bá Lập đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán lác trong. Chạy chữa nhiều nơi, đến nay khi bé lên 10 tuổi, gia đình mới quyết định chữa trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Cũng phát hiện con bị lác khi lên 2 tuổi, tuy nhiên đến nay khi con 14 tuổi, được chẩn đoán lác ngoài kèm tật khúc xạ cận thị, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, chị Trang Nhung mới quyết định phẫu thuật điều trị lác cho con.
Theo các bác sĩ nhãn khoa, có một quan niệm hết sức sai lầm của các bậc phụ huynh khi cho rằng tật mắt lác chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ nên thường để đến khi con ở độ tuổi trưởng thành mới đưa đi điều trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, lác ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phát triển thị lực của trẻ, gây suy giảm thị lực, biến chứng sang nhược thị, thậm chí là mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Theo các chuyên gia, hiện nay, tỷ lệ chữa được lác mắt khá cao nếu điều trị sớm. Trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công lên tới trên 90%, 6 - 8 tuổi trên 60%. Ở người trưởng thành, phẫu thuật lác chỉ có tác dụng thiên về thẩm mĩ. Chính vì vậy, nếu trẻ có các biểu hiện như nhìn lệch hay quay đầu khi nhìn, mắt hiếng, mắt lé… cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời./.
Thực hiện: Hồng Thúy – Mai Hương – Đức Thành