Chùa Tam Huyền - Ngôi cổ tự gắn với Thánh phụ Từ Vinh
Trong số các đình đền chùa ở vùng Kẻ Mọc, chùa Tam Huyền (còn gọi là Sùng Phúc Tự) là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất. Chùa nằm sát bờ sông Tô Lịch, hướng ra phía đông về phía sông. Theo thư tịch cổ, chùa Tam Huyền xây dựng từ đầu thời Lý và gắn với truyền thuyết về một nhân vật lịch sử là Tăng quan Đô sát Từ Vinh cha của Từ Đạo Hạnh.
Dưới thời nhà Lý (1010-1225), Phật giáo là quốc giáo nên có mở khoa thi Bạch Liên hoa để kén chọn các vị cao tăng, bổ nhiệm trụ trì các chùa lớn trong nước. Từ Vinh đã trúng tuyển khoa thi đó và được bổ làm Tăng quan Đô sát ở kinh thành Thăng Long. Từ Vinh lấy bà Tằng Thị Loan, người làng Yên Lãng (làng Láng). Ông bà sinh được người con trai là Từ Lộ, tức Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý, người mở đầu cho tín ngưỡng hòa trộn vào Phật giáo ở Việt Nam là thờ Thánh Tổ.
Thời bấy giờ, quan đô sát Từ Vinh nổi tiếng chính trực nên mâu thuẫn với Diên Thành Hầu, là em trai của vua nhưng thường ỷ thế làm chuyện bất chính. Diên Thành Hầu rất giận ông nên tìm cách sát hại ông rồi ném xác xuống sông Tô Lịch. Người dân địa phương vớt xác ông đưa về lập mộ thờ trong Chùa Tam Huyền, gọi là Am Hàm Long. Vì có công sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh, được phong là Thánh Tổ trong tín ngưỡng thờ thánh của người Việt, nên Từ Vinh cũng được người dân tôn vinh là Thánh Phụ. Am Hàm Long, nơi thờ Từ Vinh do vậy còn được gọi là Lăng Thánh Phụ.
Chùa Tam Huyền còn gắn với công đức của Thiền sư Tính Tuyền, tự là Trạm Công.
Bia trùng tu Chùa Tam Huyền lập vào năm Cảnh Hưng 41 (1780) ghi rằng Thiền sư Tính Tuyền (1711 – 1780) phụng chỉ vua Lê Ý Tông sang Trung Quốc học đạo vào năm 1730. Sau khi thọ giới, năm 1736 ngài trở về nước, nhận Chùa Tam Huyền làm đạo tràng hành đạo. Thiền sư Tính Tuyền có công thỉnh bộ Tam tạng Kinh – Luật – Luận về nước và tuyên dương hoằng pháp truyền giới luật cho tăng, ni thời kỳ này. Sau này, các thiền phái đã sao chép và xuất bản những kinh sách này làm tài liệu cho các tu sĩ tu hành. Những tài liệu này đã trở thành chuẩn mực cho việc thực hành giới luật ở tu viện miền Bắc Việt Nam thế kỷ XVIII. Ngài viên tịch tại Chùa Tam Huyền và được thờ phụng như vị sư tổ ở đây.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt gắn với lịch sử Phật giáo Việt Nam, Chùa Tam Huyền đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996.
Mặc dù không có kiến trúc bề thế, rộng rãi, không có vị trí nổi bật, song ngôi cổ tự này vẫn chứa đựng những giá trị văn hóa từ ngàn xưa, in đậm trong tâm trí bao phật tử xa gần, là niềm tự hào của nhân địa phương./.
Thực hiện: Trọng Đại