Cơ chế, chính sách là đòn bẩy cho công nghiệp hỗ trợ
Cùng sự đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, năng lực sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước không chỉ được thúc đẩy mà tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành sản xuất cũng được nâng cao. Cơ chế, chính sách còn được coi là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng cả về lượng và chất, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn còn chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước và các yêu cầu khắt khe của hội nhập quốc tế.
Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT trong nước vẫn còn thấp, năng lực của doanh nghiệp CNHT cả về quản lý sản xuất và trình độ công nghệ chưa cao. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp. Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp CNHT chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng.
Việc thiếu vốn đầu tư, mở rộng quy mô cũng là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam, vốn chủ yếu là các DNNVV, đòi hỏi các cơ quan quản lý khi xây dựng và thực thi các chính sách cần tập trung gỡ các nút thắt để doanh nghiệp được tiếp sức vươn lên. Ngoài ra, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới tại các doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.
Để chính sách tiếp tục trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển của CNHT trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 111 với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với những thay đổi của chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị định 111 của Bộ Công Thương, nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp CNHT đang kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang được Trung ương tin tưởng giao trọng trách khẩn trương xây dựng để trình ra Quốc hội thông qua trong thời gian tới Luật Công nghiệp trọng điểm. Khi Luật này được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn là khát vọng và lòng tự hào dân tộc để mang những sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới. Hy vọng với những thời gian tới, với những cơ chế chính sách phù hợp cùng sự nỗ lực tự thân của các DN CNHT, ngành CNHT của VN sẽ tiếp tục có những khởi sắc, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp nước nhà nói riêng cũng như cả nền kinh tế./.
Thực hiện: Minh Quyên