Gia đình có bốn chị em gái
“Gia đình có bốn chị em gái” là một cuốn tiểu thuyết về đời sống đường đại, về sự tan rã của một gia đình, một gia đình có bốn chị em gái, cùng trải qua sự khốn cùng và nghèo khó, để rồi cuối cùng giấc mơ về sự phồn vinh được xây dựng theo những cách khác nhau, nhưng cách nào cũng không kém phần cay đắng.
Gia đình ông bà Bình – Bằng có bốn người con gái, lần lượt là Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên. Trong một thời gian dài, mong ước đẹp đẽ thông qua những cái tên mà ông Bình đặt cho các con khá trọn vẹn. Cả bốn cô đều đỗ đại học và tốt nghiệp, có công ăn việc làm. Dù học trường này hay trường kia nhưng cả bốn đều đã có một môi trường sống tương đồng, đều được dạy bảo và học hành trước khi vào đời như nhau. Nhưng khi vào đời, mỗi người trong bọn họ đều cố tìm cách vun vén nhiều nhất cho tổ ấm của riêng mình, điều này đã dẫn tới sự chênh lệch điều kiện sống giữa các gia đình. Chính hố ngăn cách khác biệt về đời sống vật chất và sự thụ hưởng các quyền lợi xã hội đã nuôi lòng đố kị, sau đó là sự thù hận nghiệt nga giữa Thương và Ái.
Người ta sẽ tìm thấy ở cuốn tiểu thuyết một trong những vấn đề căn cốt của xã hội Việt Nam đương đại từ sự tan ra của đại gia đình này, đó là sự tham nhũng được lý giải bằng bản chất của con người và những quan niệm văn hóa được coi là truyền thống.
Thông điệp quan trọng mà tác giả muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết nặng ký của mình là sự bất bình đẳng cơ hội vì văn hóa thân tộc, quan niệm cổ hủ “một người làm quan, cả họ được nhờ” . Những vị trí tốt đẹp dần rơi vào những chân rết trong cùng một gia tộc và sự lũng đoạn giống như tổ mối, ăn mòn cả xã hội.
Các nhà phê bình đánh giá cách viết của nhà văn Nguyễn Thị Bích Thủy như một sự can dự tích cực vào cuộc sống, và vì thế dù “Gia đình có bốn chị em gái” là một cuốn tiểu thuyết bi kịch, nhưng chúng ta vẫn thấy ở đó những điều tốt đẹp.
Thực hiện: Phạm Hằng - Trọng Đại - Mỹ Hạnh - Thanh Loan