Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

Không chủ quan trong kiểm soát đái tháo đường khi mang thai

Đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28. Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người mẹ và thai nhi.
11:28 - 13/08/2024

Không chủ quan trong kiểm soát đái tháo đường khi mang thai

Mang thai tuần thứ 27, cảm thấy mệt mỏi và có dấu hiệu tăng cân nhanh, chị Đào Thúy đi khám tại Bệnh viện Bưu điện và được các bác sĩ chẩn đoán tiểu đường thai kỳ.

Sự thay đổi nội tiết tố và tăng cân là 2 vấn đề xảy ra trong thời kỳ mang thai, làm cho cơ thể của người mẹ tăng đề kháng với insulin. Khi đó, đường huyết sẽ tăng cao trong máu gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Đối với sản phụ đái tháo đường thai kỳ, có thể gây tăng huyết áp và tiền sản giật, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Đối với thai nhi, lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển quá lớn, dễ gặp phải chấn thương trong lúc sinh. Biến chứng này có thể dẫn đến liệt thần kinh cánh tay, gãy xương đòn, suy thai, ngạt…

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh đái tháo đường thai kỳ thường có nguy cơ cao hơn nếu thai phụ trên 35 tuổi, thừa cân béo phì trước khi mang thai, tiền sử bị bệnh ở lần mang thai trước, tiền sử sảy thai, có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường…

Để giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé do tình trạng đái tháo đường thai kỳ gây ra, quản lý đường máu trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, mẹ bầu cần có chế độ ăn phù hợp, nâng cao tập luyện thể dục. Đặc biệt là thường xuyên khám định kỳ và làm các xét nghiệm chuyên khoa để đánh giá nguy cơ./.

Thực hiện: Hồng Thúy – Đức Thành