Lạng Sơn: Điểm sáng về thu hút đầu tư của khu vực Đông Bắc
Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Từ 2008 đến hết năm 2023, có 154 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, trong đó giai đoạn 2016-2023, tại khu vực này đã thu hút được 77 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 11,7 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ tập trung thu hút các dự án đầu tư vào Khu KTCK, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, có những cơ chế ưu đãi để tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Theo thống kê của Sở Công Thương, giai đoạn 2016 – 2023, tỉnh đã thu hút được 45 dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực công nghiệp. Hầu hết các dự án đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, xử lý rác thải…
Để có thể thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đã về thuế, tiền thuê đất… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư triển khai các dự án vào địa bàn tỉnh. Cùng với đó, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ.
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phương châm xuyên suốt của tỉnh Lạng Sơn là lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới. Để thực hiện phương châm đó, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục cải thiện chỉ số PCI và chỉ số xanh cấp tỉnh (GPI) – những chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.
Qua những kết quả thực tế có thể thấy, Lạng Sơn đang trở thành điểm đến có sức hấp dẫn và quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín. Đây chính động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.
Thực hiện: Ngọc Hòa - Trọng Đại