Video Thế giới đó đây

Ngành công nghiệp váy cưới Trung Quốc khó khăn trong dịch bệnh Covid-19

Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc – một trong những nơi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dành cho cô dâu lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có khi mà đại dịch Covid-19 khiến các cặp đôi trên khắp thế giới phải hủy hoặc hoãn đám cưới.
17:02 - 13/09/2020

Tô Châu - thành phố phía đông Trung Quốc cũng là nơi đặt nhà máy của các thương hiệu lớn như Apple hay Microsoft, nhưng những chiếc váy cưới mới chính là sản phẩm chủ lực của thành phố. 

Doanh số của thị trường váy cưới ở Trung Quốc đã tăng từ 923 tỷ lên 1.640 tỷ nhân dân tệ từ năm 2014-2018, và dự kiến đạt tới con số 3.000 tỷ vào năm 2023. Nhưng đó là nếu như không xảy ra đại dịch Covid-19. 

Đà tăng trưởng đó của ngành công nghiệp váy cưới của Trung Quốc đã bị gián đoạn bởi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện ở Vũ Hãn – thành phố cách Tô Châu 740km về phía tây. Những lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội do dịch bệnh được áp đặt ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới, khiến các đám cưới không thể diễn ra như trước đây, hoặc thậm chí phải hủy bỏ, trì hoãn vô thời hạn.

Hiện Trung Quốc đã bắt đầu cho phép tổ chức đám cưới tập trung đông người do dịch bệnh đã được kiểm soát, song tình hình kinh doanh váy cưới vẫn ảm đạm, còn xa mới có thể đạt được mức như trước đây, bởi nhiều cặp đôi cũng có xu hướng giảm quy mô tổ chức đám cưới do hạn chế về ngân sách hoặc hạn chế về khách mời để đảm bảo an toàn mùa dịch bệnh.

Jesere Wedding và Evening – một trong những nhà sản xuất váy cưới lớn nhất Tô Châu, đang phải nỗ lực giảm suy thoái bằng cách tăng cường bán hàng trực tiếp cho các cô dâu và tìm đến với khách hàng. Đại dịch lây lan toàn cầu đã khiến các khách hàng nước ngoài – trước đây chiếm khoảng 1/10 doanh số bán hàng của công ty, giờ đây biến mất gần như hoàn toàn. 

Không chỉ ở các nhà máy sản xuất, sự ảm đạm của ngành công nghiệp váy cưới còn có thể cảm nhận ở nhiều nơi khác. Tại trung tâm mua sắm váy cưới Huqiu ở Tô Châu, dãy cửa kính trưng bày vẫn sáng lấp lánh những chiếc váy cưới lộng lẫy, thế nhưng có rất ít khách hàng ghé thăm, trái ngược hẳn với khung cảnh tấp nập khách hàng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài trước khi nổ ra dịch bệnh.

Là một trong số ít khách hàng tới trung tâm váy cưới Huqiu ở Tô Châu tìm mua hàng, Guo Manjia – chủ một tiệm váy cưới và váy dạ hội ở tỉnh Hà Nam cho biết, chị phải thay đổi tiêu chí chọn và nhập hàng để thích ứng với tình hình kinh doanh mùa dịch bệnh.

Không khả quan hơn mấy, Triển lãm Cưới Trung Quốc 2020 – một sự kiện thường niên thu hút các nhà bán lẻ, các nhà xuất khẩu, và các studio váy cưới đã diễn ra tại Thượng Hải vào tháng 7 vừa qua, cũng với rất ít khách tham quan. 

Ở một nơi khác cũng tại Thượng Hải, cô dâu Wei Jianwen và chú rể Pan Wenjun đã tổ chức đám cưới hồi giữa tháng Tám bằng một đám cưới thu gọn quy mô hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu tổ chức vào tháng Hai. 

Nếu như trước đây, nhiều đám cưới có thể tổ chức rình rang linh đình, các cô dâu cũng chi mạnh hơn cho chiếc váy trắng tinh khôi trong ngày trọng đại của đời mình, thậm chí có những đám cưới cô dâu thay vài 3 chiếc váy, thì nay, đại dịch khiến mọi thứ phải thay đổi: quy mô tổ chức thu gọn, kinh phí tổ chứcbao gồm cả chi phí cho trang phục cưới cũng phải cắt giảm do nguồn kinh tế khó khăn./.

Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng