Video Bản tin Sức khỏe 24H

Nghiện game - Từ giải trí đến rối loạn tâm thần

Tình trạng nghiện game, đặc biệt là nghiện game online ở giới trẻ ngày càng tăng dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Game online tác động trực tiếp làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân và ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống xã hội.
16:59 - 31/03/2024

NGHIỆN GAME - TỪ GIẢI TRÍ ĐẾN RỐI LOẠN TÂM THẦN

Thức đêm, ngủ muộn, khó kiểm soát mức độ chơi game, tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực. Game là một thể loại giải trí lành mạnh nếu có sự kiểm soát. Nhưng đối với một số bộ phận giới trẻ, họ mất kiểm soát đối với việc chơi game và trò chơi giải trí trở thành vòng lặp kích thích và không có điểm dừng. 

Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định nghiện game là một chứng rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn. Nghiện game là bệnh, thuộc nhóm đối tượng bị rối loạn. Tuy nhiên, khi đã nghiện game và lấn sâu vào thế giới ảo khiến cho người chơi rất khó mà thoát ra được.

Những hệ lụy từ tình trạng nghiện game bao gồm rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc giảm cân, sức khỏe giảm sút, rối loạn hoạt động tâm thần vận động, rối loạn trí nhớ. Nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ dẫn tới những hệ lụy tiêu cực về rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn hành vi, ảo tưởng, đa nhân cách.

Nghiên cứu cho biết, có đến 2.6 tỷ người trên thế giới chơi game và có đến 2-4% người chơi game có dấu hiệu nghiện game. Ở các nước trên thế giới như Mỹ, con số lên tới 8.5% người chơi game nghiện game và với Hàn Quốc, Trung Quốc là 10%.

Là một chứng rối loạn tâm thần, bệnh nhân nghiện game cũng cần được sự quan tâm đúng mực, đúng cách, cũng như hỗ trợ nhiều của người thân và gia đình để có thể thoát khỏi tình trạng này. Gia đình có con nhỏ bị nghiện game online lại càng không nên nóng ruột, quát tháo hay nặng lời, đánh mắng trẻ./.

Thực hiện: Vũ Vy - Hồng Thuý