Cuốn sách là dòng hồi ức của Kiên - người lính may mắn sống sót trong chiến trận, đang sống ở thời bình nhưng tâm trí anh luôn tìm về quá khứ chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, nỗi ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và tác phẩm là sự tái hiện đầy xót xa những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng.
Như cách mà các tác phẩm cùng thời, nhà văn Bảo Ninh dồn tâm huyết, gan lọc ngôn từ để nêu lên thông điệp về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.
Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, "Nỗi buồn chiến tranh" có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh từ một góc độ khác, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Chính vì thế nó kiến tạo một hành trình đi tìm lối viết mới về chiến tranh và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm sau này.
Mời quý vị xem các chương trình Sách và cuộc sống đã phát sóng tại đây./.