Phát triển Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may: Những bài học và kinh nghiệm
Là doanh nghiệp 6 lần liên tiếp nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia, hiện Tổng công ty May 10 đã và đang góp phần định hình lại ngành công nghiệp thời trang Việt Nam bằng những sản phẩm của người Việt, mang thương hiệu Việt Nam. Không chỉ ở thị trường nội địa, sản phẩm của May 10 đã và đang chinh phục nhiều thị trường lớn và khó tính trên thế giới.
Theo Bộ Công Thương, dự báo trong năm 2024, ngành dệt may tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực trong 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể vượt 45 tỷ USD trong năm 2024. Thế nhưng, trái ngược với bức tranh xuất khẩu, trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may chỉ đạt khoảng 46 - 47%.
Trong nhiều năm qua, cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp này vẫn đang rất nỗ lực chủ động nguồn nguyên liệu, phục vụ sản xuất, giảm sự phụ thuộc phần lớn từ nhập khẩu.
Một trong chủ trương của các cơ quan quản lý Nhà nước và mong muốn của Hiệp hội Dệt may Việt Nam là thu hút vốn FDI vào phát triển khâu thượng nguồn, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, đến nay định hướng cũng như mong muốn này chưa đạt kỳ vọng, phần lớn nguyên phụ liệu cho sản xuất doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phải nhập khẩu. Trong đó, chủ yếu là nhập từ Trung Quốc.
Trong khi những doanh nghiệp dệt may loay hoay tìm kiếm nhà cung cấp tại thị trường trong nước thì có những doanh nghiệp nguyên phụ liệu trong nước thiếu nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất. Bài toán tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách vẫn chưa có lời giải.
Lựa chọn SX sợi từ nguồn nguyên liệu tự nhiên (lá dứa), dự án khởi nghiệp của Công ty CP Nghiên cứu SX và Phát triển sợi ECO đã đóng góp cho ngành dệt may. Tuy nhiên, sau 4 năm đi vào hoạt động, nhà máy này vẫn chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh vì thiếu nguồn vốn và các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Liên kết chuỗi là vấn đề chiến lược và cấp bách nhất hiện nay của ngành dệt may Việt Nam. Hiện, 70% trong số hơn 3.800 nhà máy dệt sản xuất các sản phẩm may mặc, chỉ có 6% sản xuất sợi,17% sản xuất vải và 4% là các cơ sở nhuộm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 400.000 tấn bông nhưng chỉ có 3.000 tấn được cung cấp bởi các chuỗi cung ứng trong nước, tức là tỷ lệ nội địa chưa đáp ứng được 1% nhu cầu.
Xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi khi ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi ngành dệt may Việt Nam vẫn đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng.
Theo nhiều chuyên gia, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022, định hướng để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, việc triển khai chiến lược cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên./.