Video Bản tin Sức khỏe 24H

Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng – liệu có dẹp bỏ được quảng cáo sai sự thật?

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” và công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng.
10:47 - 03/06/2024

4 vi phạm đạo đức quảng cáo trong thực phẩm chức năng hiện nay là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo). Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi hoặc kéo dài sự sống. Nhưng những quảng cáo “cam kết chữa khỏi” là vi phạm với quy định về thực phẩm chức năng (không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh).

Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng ra đời không chỉ là “kim chỉ nam”, định hướng cho các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện quảng cáo có đạo đức, vì lợi ích của người tiêu dùng; đồng thời, gợi mở để xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà phát hành quảng cáo và người tiêu dùng nhận biết những quảng cáo chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức để từ đó đấu tranh với những hành vi vi phạm và có biện pháp hạn chế kịp thời. Tuy nhiên, cần phải làm gì để quy chế này có thể đi vào cuộc sống trong bối cảnh công nghệ AI, trí tuệ nhân tạo đang dẫn dắt và thực hiện các công việc sản xuất và phát hành quảng cáo. 

Hiện nay các quảng cáo sai sự thật thường nằm ở mạng xã hội và ở nền tảng xuyên biên giới, trong khi phần lớn người dân có thói quen xem thông tin miễn phí, khiến việc ngăn chặn là vô cùng khó khăn. Quy chế đã có, việc còn lại là cần sự phối hợp tích cực của người tiêu dùng trong nhận biết đúng và nói không với quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng.

Thực hiện: Mai Lan – Sỹ Thành