Video Tinh hoa bàn tay Việt

Rèn Vũ Ngoại - Giữ lửa nghề trăm năm

Làng Vũ Ngoại nổi tiếng với nghề rèn hàng trăm năm nay. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nghề rèn đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ấm no. Vì thế, nghề rèn vẫn được gìn giữ bởi những bàn tay tài hoa, sáng tạo và nhiệt huyết với nghề truyền thống.
20:50 - 28/08/2024

Rèn Vũ Ngoại - Giữ lửa nghề trăm năm

Thời kỳ hưng thịnh gần như cả làng Vũ Ngoại đều làm nghề, quanh năm lò bễ đều đỏ lửa, rộn ràng âm thanh của tiếng búa, tiếng đe vang lên khắp làng tạo nên cuộc sống sôi động của nghề rèn thủ công. Cả làng như một công xưởng lớn. Nghề cha truyền con nối nên người dân Vũ Ngoại sớm theo học nghề từ nhỏ như ngấm vào máu thịt của họ một cách tự nhiên, để thành thạo từng công đoạn của nghề như hơi thở. 

Muốn sản phẩm bền, đẹp, chất lượng cao thì đầu tiên lựa nguyên liệu tốt. Người thợ Vũ Ngoại chủ yếu sử dụng những chiếc nhíp ô tô hoặc thép trắng. Mỗi loại nguyên liệu có độ dày mỏng khác nhau để tạo nên nhiều dòng sản phẩm, từ các loại dao nhỏ tới những loại dao lớn, từ loại mỏng đến loại dày để phù hợp với nhiều nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên liệu có chất liệu khác nhau tạo ra chất lượng sản phẩm cũng khác nhau. Nếu sản phẩm làm từ những chiếc nhíp ô tô sẽ cho dao sắc bén nhưng dễ bị hoen gỉ. Còn làm từ thép trắng thì không sắc bén bằng nhưng không bị rỉ, đảm bảo độ sạch sẽ theo thời gian. Thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao sắc bén.

Để tạo ra được một sản phẩm rèn hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn nhưng có 3 bước chính: rèn nóng, rèn nguội và tôi sắt. Từ thanh phôi thép, người thợ đem nung trong lò than rực đỏ. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Nếu nung quá lửa, dao dễ bị mẻ, bị giòn, dễ vỡ. Khi phôi thép đã nóng đỏ sẽ giúp dễ dàng tạo hình như mong muốn. Đôi bàn tay thoăn thoắt đánh búa một cách chuẩn xác vào phôi thép được đặt trên đe, chẳng mấy chốc đã đập mỏng thanh thép. Qua khâu rèn trong lửa, thì đến công đoạn gọt cánh (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo hình dáng hoàn chỉnh cho sản phẩm. 

Kế thừa và phát triển nghề của cha ông trong thời đại công nghiệp hóa, một vài gia đình người dân Vũ Ngoại đã mạnh dạn đầu tư máy móc tạo thành công xưởng sản xuất lớn. Các đoạn đều được sử dụng máy móc để giảm nhân công, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lò than cũng được thay thế bằng lò điện. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn nên không phải gia đình nào cũng sẵn sàng và dễ dàng theo đuổi. 

Nghề rèn Vũ Ngoại, trải qua hàng trăm năm đã khẳng định được sức sống của một làng nghề từ quá khứ tới hiện tại. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết giữ nghề, sống với nghề, mỗi người thợ ở Vũ Ngoại đã không ngừng nỗ lực để sản phẩm làm ra xứng danh với tên tuổi mà bao đời đã tạo nên, để nghề rèn luôn được giữ gìn với những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế cho quê hương, để tinh hoa nghề truyền thống còn mãi được lưu truyền./.

Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại