Video Phóng sự VOV

Sự nguy hại của rác thải nhựa với đời sống con người

Các sản phẩm bằng nhựa như túi nylon, cốc nhựa rất tiện lợi, giá thành rẻ. Vì vậy, chúng có mặt ở khắp mọi nơi... Nhưng điều đó có nghĩa là gì?
21:29 - 01/10/2024

SỰ NGUY HẠI CỦA RÁC THẢI NHỰA VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

Theo báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên, mỗi năm có 300 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra môi trường. Tại Sơn La, mỗi năm có hơn 10.635 tấn chất thải nhựa phát sinh. 

Rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất dài. Việc xử lý rác thải như chôn lấp, đốt cần phải trải qua quy trình nhiều bước, đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, việc làm này rất tốn kém, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và công sức nên ít người dân có thể thực hiện được. Nếu không được xử lý đúng, chất thải nhựa sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, những hạt vi nhựa (microplastic) đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… và khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh…Tại Sơn La, ở những vùng cao, xa trung tâm, bà con vẫn duy trì thói quen đốt rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn là chất thải nhựa. Đốt tự phát, không qua các quy trình xử lý, sẽ sinh ra các loại khí độc bao gồm: khí dioxin, furan… ảnh hưởng rất lớn đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí gây ung thư. Chưa kể trong một số có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất... vì thế khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành các loại axit sunfuric gây ra mưa axit vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người và sinh vật.

Các hạt vi nhựa rã ra từ chất thải nhựa đi theo một vòng tuần hoàn từ đất đai lên cây trồng, động vật, thủy hải sản... xâm nhập vào cơ thể con người, khiến cho hệ thống, chức năng của cơ thể suy giảm, gây nên nhiều bệnh từ tim mạch, nội tiết, bệnh thận, đặc biệt là gây nhiều loại ung thư...

Hiện nay còn có rất nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng được sản xuất với số lượng lớn, trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA - đây là chất độc hại và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường thậm chí gây ung thư… Chính vì vậy, chúng ta cần có biện pháp hạn chế rác thải nhựa để tránh những hậu quả khôn lường.

Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người là rất lớn. Chúng ta cần có những hành động thiết thực, chung tay vì một môi trường xanh sạch, đảm bảo đời sống và sức khỏe của mỗi chúng ta và các sinh vật./.

Thực hiện: Huyền Trang - Hoàng Thuyên