Nhà thờ hiện nay được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 trên nền của hai nhà thờ xây dựng trên cùng một địa điểm nhưng đã bị phá hủy.
Hagia Sophia khi ấy trở thành một Vương cung thánh đường của Chính thống giáo phương Đông, một trong những nhà thờ Cơ đốc giáo bề thế nhất và đẹp nhất, là nhân chứng bền vững của lịch sử kiến trúc tôn giáo.
Trung tâm nhà thờ là mặt bằng hình vuông (75,6m x 68,4m), phía trên bao phủ bằng vòm bán cầu đường kính 33m (cao 51m tính từ nền), với 40 cửa sổ lấy ánh sáng. Kích thước và cấu trúc của mái vòm là một kiệt tác về thiết kế, và tạo một sự đột phá về kết cấu, trở thành một thành tựu rực rỡ mà kiến trúc Byzantine đã đạt được.
Năm 1453, kinh đô Constantinopolis (tức Istanbul ngày nay) bị đế quốc Ottoman chiếm. Vua Mehmed II ra lệnh biến tòa nhà thành một nhà thờ Hồi giáo. Chuông khánh, bàn thờ, tường tranh bị gỡ bỏ, nhiều phần nền khảm tranh mosaic bị trát vữa đè lên.
Các chi tiết kiến trúc Hồi giáo, chẳng hạn như 4 ngọn tháp nhọn (minaret) được xây thêm ở 4 góc bên ngoài, hay những dòng Kinh Coran trang trí trên mái vòm, tạo nên cảnh quan nhà thờ như ngày nay. Tòa nhà là nơi thờ phụng của người Hồi giáo cho đến năm 1935, sau khi chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ biến công trình này thành một viện bảo tàng.
Trong bảo tàng vẫn lưu giữ một bộ sưu tập các thánh tích và có một bức tường tranh bằng bạc dài 15 m.
Hàng triệu khách du lịch tới Hagia Sophia mỗi năm để chiêm ngưỡng kiến trúc có một không hai và nội thất tuyệt đẹp, đồng thời nghe câu chuyện về những nền văn minh từng hiện diện và để lại dấu ấn nơi đây.
Sau nhiều năm hoạt động với tư cách là viện bảo tàng, mới đây, Hội đồng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của Tổng thống Tayyip Erdogan, chính thức trả công trình này từ bảo tàng trở lại thành nhà thờ Hồi Giáo.
Được biết, Di sản thế giới UNESCO từ năm 1985 này sẽ vẫn mở cửa cho tất cả mọi người vào tham quan, bất kể quốc tịch hay tôn giáo.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.