Video Sách và cuộc sống

Thời xa vắng

Tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã khẳng định vị thế của nhà văn Lê Lựu trong hàng ngũ những tác giả tiêu biểu thời kỳ đổi mới, có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng trong tiến trình vận động và phát triển của nền văn xuôi nước nhà từ sau năm 1975.
17:15 - 21/07/2020

Câu chuyện về một thời mà nhà văn Lê Lựu gọi là “Thời xa vắng” là một câu chuyện buồn mà suốt một thời gian dài người ta cố tình không nhắc tới. Trong cái thời ấy, người ta thương yêu, đùm bọc và lo lắng cho nhau nhưng lại giản đơn, ấu trĩ,  không biết người được yêu thương, quan tâm ấy có thực sự hạnh phúc hay không. Đó là cái thời mà sự yêu ghét của con người bị định đoạt một cách thô bạo, khiến người ta muốn tồn tại phải tự gọt đẽo mình, phải “sống hộ ý định người khác”. Tất cả những sai lầm một thời đó in rõ trong số phận và tính cách của nhân vật chính Giang Minh Sài. Suốt nửa cuộc đời, Sài loay hoay giữa muôn vàn đau khổ do sức ép từ nhiều phía. Thưở nhỏ, Sài phải dằn lòng sống theo ý muốn của gia đình, dòng họ. 

Đến tuổi trưởng thành, Sài lại phải cố gồng mình để chịu đựng, phải “tự giết chết đi những xao xuyến thèm khát một hạnh phúc thực sự”. Khi vào quân ngũ, Sài lại phải theo ý các thủ trưởng “yêu cái người khác yêu, ghét bỏ cái người khác ghét bỏ”. Khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với Châu, tuy là người tự do lựa chọn và sống theo ý mình, nhưng cách sống của anh vẫn là hệ quả của những tháng ngày “sống hộ ý định người khác” thưở trước. 

Hôn nhân đổ vỡ là kết quả của một thời “yêu cái mình không có” của anh. Sau biết bao đau khổ, dằn vặt, anh quyết định dứt bỏ quá khứ lầm lạc, trở về Hạ Vị, góp phần xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Cái “Thời xa vắng” vì thế có tác dụng như một bài học để mọi người không bao giờ lặp lại.

Mời quý vị đón xem chương trình "Sách và cuộc sống” đã phát sóng tại đây./.