TIẾNG VIỆT - LẮT LÉO VÀ LỊCH LÃM
Tác giả Lê Minh Quốc nhận định rằng “Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại. Vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, một khi chúng ta cùng tìm về “linh hồn tiếng Việt” thì bao giờ tính thời sự này cũng bất biến theo năm tháng.” Cho dù cuộc sống biến động, kho tiếng Việt đã phong phú hơn xưa nhưng bản sắc tiếng Việt vẫn giữ nguyên vẻ đẹp lắt léo và lịch lãm nhưng không kém phần mới lạ.
Cuốn sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm của tác giả Lê Minh Quốc có độ dày hơn 300 trang là cuốn sách nổi bật thuộc bộ “Tiếng Việt giàu đẹp”. Cuốn sách đã khái quát rằng: Tiếng Việt lắt léo thế nào, ắt ai cũng rõ. Cùng một từ, thế nhưng từ đất này qua xứ khác đã có nghĩa khác nhau. Cùng một sự vật / sự việc, nhưng mỗi nơi dùng từ mỗi phách. Tiếng Việt cũng khéo léo, “lượn lờ”, nhiều từ trải theo năm tháng, đã đổi thay, chuyển nghĩa, phai nghĩa, đến nay vẫn dùng nhưng chẳng còn rõ nghĩa ban đầu thế nào. Cái hay, cái khéo của tiếng Việt, phần nhiều ở chỗ lắt léo, lượn lờ.
Tiếng Việt luôn luôn phát triển, và luôn luôn thay đổi. Cái “lịch lãm” của Tiếng Việt là ở chỗ đó, càng ngày càng mở rộng, càng ngày càng nhiều thêm. Kể cả những từ ta ngỡ đã mất đi, đã mai một theo năm tháng, thực tế vẫn “sống” và vẫn đồng hành cùng văn hóa Việt, con người Việt.
Thực hiện: Mai Lan - Hải Linh