TRẦN VĂN CẨN - TÁC PHẨM CHỌN LỌC TRONG BỘ SƯU TẬP CỦA BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM
Nằm trong tứ trụ thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Trí – Lân – Vân – Cẩn, danh họa Trần Văn Cẩn (1910-1994) thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa hương sắc mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Cuốn sách “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” có bố cục gồm ba phần chính, gắn với 3 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của danh họa Trần Văn Cẩn.
Đó là quá trình danh họa đến với nghệ thuật, có những tác phẩm đầu đời cùng với những đóng góp trong việc cải tiến kỹ thuật vẽ tranh sơn mài. Giai đoạn tiếp theo, Trần Văn Cẩn từ bỏ tháp ngà nghệ thuật lên chiến khu Việt Bắc phục vụ kháng chiến. Phong cách của danh họa cũng có sự thay đổi từ đây.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trần Văn Cẩn trở lại Hà Nội, phiêu lưu những chuyến đi trong nước và nước ngoài, sáng tác loạt tranh về lao động sản xuất, khắc họa hình ảnh công nhân, nông dân và tầng lớp lao động.
Điểm nhấn trong cuốn sách “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” là kho hình ảnh hơn 100 tác phẩm được chọn lọc từ gần 200 tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.
Chân dung một danh họa tài ba, dũng cảm dấn thân cho sự nghiệp mỹ thuật, phục vụ nhân dân, phụng sự nền mỹ thuật của dân tộc hiện lên đẹp đẽ và trang trọng. Đây thực sự là niềm tự hào, không chỉ của riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà còn góp thêm một tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật, những người yêu thích hội họa Việt Nam.
Thực hiện: Vũ Vy - Hồng Thuý - Như Ngọc