Video Phóng sự VOV

Ủng hộ đồng bào vùng lũ: Làm thế nào để phát huy hiệu quả?

Những chiếc xe chở hàng ủng hộ nối đuôi nhau tiến vào miền Trung. Phong trào quyên góp ủng hộ tự phát mạnh mẽ trong nhân dân, tuy nhiên ít ai có thể lường trước những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa người đi tặng quà và món quà kia có thực sự phát huy được giá trị?
18:41 - 02/11/2020

Anh Nguyễn Việt Hùng phu trách bếp cơm Trái tim yêu thương ở Hà Nội đã có buổi làm việc với Hội chữ thập đỏ Việt Nam trước khi anh tổ chức mang hàng đi cứu trợ. Sau nhiều chuyến vào miền Trung trong đợt lũ, cán bộ Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã chứng kiến không biết bao câu chuyện bất cập khi phong trào ủng hộ tự phát. Đây cũng là bài học mà anh Hùng tiếp nhận thông tin để rút kinh nghiệm trong cách làm từ thiện.

Hàng hoá chất đống vì không đủ phương tiện vận chuyển vào vùng sâu, vùng xa. Không ít hàng hoá thực phẩm như bánh chưng, đồ ăn chế biến bị mốc hỏng hoặc hàng hoá chỉ tập trung cho những đối tượng gần đường quốc lộ, nơi bị ảnh hưởng không nhiều. Sự mất công bằng đã xảy ra khi người cần thì không nhận được, người nhận thì chưa thực sự cần.

Ủng hộ bão lụt là cần thiết và đáng biểu dương, tuy nhiên nếu ủng hộ không dựa trên dữ liệu của địa phương như đối tượng cần hỗ trợ, hàng hóa bà con cần, sẽ vô tình phản tác dụng. Đây là thực tế mà anh Nguyễn Đức Hà phụ trách Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa Ưu Đàm, điều hành 4 nhóm từ thiện ở chung cư Mulberry Lanne, sau khi 2 nhóm đưa hàng vào miền Trung, hàng hóa chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhóm của anh cũng chỉ là 1 trong nhiều nhóm khác không tiếp cận được những nơi thực sự khó khăn.

Đợt 2 rút kinh nghiệm từ đợt 1, thay bằng đưa đồ ăn, thức uống, anh chuyển sang tổ chức hội chợ bán hàng quyên góp lấy tiền ủng hộ bà con. Hàng hóa câu lạc bộ mua chỉ là hóa chất làm sạch môi trường, thuốc uống, quần áo. Dự kiến đợt 2 nhóm đi từ thiện sẽ phát 300 suất quà, mỗi suất quà 300.000 đồng cùng quà.

Khác với anh Hà, anh Phạm Đình Quý quyên góp được gần 1 tỷ đồng, anh đã trao quà có sự giám sát công khai của cộng đồng.

Anh kết hợp chặt chẽ với chính quyền xã, xã sẽ chịu trách nhiệm cung cấp danh sách người dân cần hỗ trợ, danh sách đó công khai trên fanpage và facebook của trưởng nhóm từ thiện Phạm Đình Qúy, đây cũng là căn cứ để người ủng hộ có thể kiểm tra ngược số tiền người dân có được hưởng hay không? Xã sẽ trao quà và tiền cho người dân. Với cách làm như vậy, trong một thời gian ngắn, anh Qúy đã trao được nhiều xã ở Quảng Trị và Huế.

Thời gian qua Hội chữ thập đỏ Việt Nam liên tục nhận được hàng hoá từ các cá nhân và các tổ chức gửi ủng hộ các tỉnh miền Trung. Liên tục các chuyến tàu miễn phí đã được vận chuyển vào miền Trung. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện cứu trợ theo từng giai đoạn và có cách thức tổ chức khoa học và hiệu quả. 

Người dân tự phát đi cứu trợ như chảy hội, các tổ chức xã hội thì lúng túng trong xử lý hoạt động tài trợ dẫn tới tình trạng lãng phí hàng hoá cứu trợ ở một vài điểm và người cần thì không nhận được và người nhận thì chưa thực sự cần. Rõ ràng, sự tích cực ủng hộ của người dân là cần thiết nhưng cho cái gì và cách cho như thế nào để đạt hiệu quả đó là câu chuyện mà chúng ta cùng phải suy ngẫm.

Mai Lan - Sỹ Thành

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.