Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Trả lời câu hỏi của các đại biểu về những hạn chế trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm thẳng thắn thừa nhận, lĩnh vực an ninh mạng còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó nổi cộm là 5 vấn đề gồm: Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra kiểm tra về an ninh mạng chưa hiệu quả, kịp thời; phần lớn nền tảng, dịch vụ OTT, ứng dụng mạng xã hội của các pháp nhân nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; còn nhiều sơ hở trong quản lý loại hình dịch vụ có nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng như tiền ảo, kinh doanh sim rác, mở thẻ ngân hàng ảo.
Liên quan tới tình trạng thông tin giả, thông tin không đúng sự thật đã và đang gây mất niềm tin trong nhân dân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp.
Tham gia giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, các thông tin sai sự thật trên không gian mạng hiện nay chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới. Thời gian qua, Bộ đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý hành chính thông tin giả trên không gian mạng riêng đầu năm 2022 đã xử lý hàng trăm vi phạm. Về xây dựng văn hóa trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng, tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm phát ngôn và đăng tin trên mạng xã hội; về các hậu quả gây ra của các tin sai sự thật. Việc lên mạng xã hội không phải là vô danh mà phải định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, để giám sát không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm An toàn không gian mạng Quốc gia để phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật với khả năng xử lý tăng từ 100 triệu tin/ngày lên 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân, các tổ chức về tin giả để xử lý.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.