Từ bao đời nay, việc sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao chủ yếu mang tính tự sản tự tiêu, với phương thức canh tác "quảng canh". Hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp chưa phát triển, nên bà con đã sáng chế ra những chiếc cọn bằng tre để dẫn nước, giúp cho việc tưới tiêu được thuận lợi hơn với phương pháp lợi dụng sức nước để lấy nước. Chiếc cọn nước là sản phẩm của nền "văn minh nương rẫy", là minh chứng cho sự sáng tạo chinh phục tự nhiên của đồng bào các dân tộc vùng cao, nơi họ biến những vùng đất hoang hóa trở thành những bản làng trù phú như ngày nay.
Hình ảnh những chiếc cọn nước bên bờ suối quay chậm rãi từng vòng, từng vòng nhịp nhàng, đều đặn với những âm thanh kẽo kẹt pha lẫn tiếng rầm rì của nước, xa xa là những nếp nhà sàn truyền thống giữa những cánh đồng trải dài trong thung lũng đã tạo cảnh sắc nên thơ miền sơn cước, đủ níu chân bất cứ lữ khách nào ghé ngang qua.
Nhìn những chiếc cọn nước bằng tre tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt và sự công phu, tỉ mỉ, khả năng tư duy chính xác. Từng cây nứa, cây vầu để làm nên chiếc cọn nước đều phải được lựa chọn tỉ mỉ, cẩn thận tới từng đốt, mối nối… Mỗi chiếc cọn nước được ví như như một công trình nghệ thuật không chỉ giúp dẫn nước mà còn có “hồn” riêng bởi nó mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang.
Giờ đây, cuộc sống hiện đại hơn, bà con đã biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, những chiếc cọn nước lại trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá cuộc sống vùng non cao.
Những chiếc cọn nước miệt mài dẫn nước nhịp nhàng không chỉ là minh chứng cho sự khéo léo và khả năng sáng tạo của đồng bào dân tộc vùng cao trong hành trình chinh phục thiên nhiên mà còn là biểu tượng thân thuộc, góp phần tạo nên nét đẹp rất riêng cho cảnh sắc núi rừng Đông Bắc.
Anh Vũ - Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.