ÁO DÀI HUẾ - DI SẢN PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
Trải qua hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều tri thức may, mặc áo dài. Đó không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội. Bước vào thời kỳ hiện đại, Áo dài Huế vẫn được nhiều người sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, cả những lớp người trung niên, cao niên... Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.
Ở xứ Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Huế tự hào là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức một lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài. Lần đầu tiên Lễ hội áo dài được tổ chức trong kỳ Festival Huế 2002. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa thiên Huế nỗ lực nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2320 chính thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức may, mặc áo dài Huế”. Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên có di sản Áo dài được vinh danh. Đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị.
Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của Áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Thực hiện: Vinh Thông - Lê Hiếu
Phóng viên VOV thường trú khu vực miền Trung