Video Tin trong nước

Băn khoăn xung quanh đề xuất áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón

Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), trong đó, Chính phủ đề xuất chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 5% với mục tiêu tránh hiệu ứng tăng giá sản phẩm, tạo thuận lợi cho sản xuất.
08:37 - 04/08/2024

BĂN KHOĂN XUNG QUANH ĐỀ XUẤT ÁP THUẾ VAT 5% ĐỐI VỚI MẶT HÀNG PHÂN BÓN

Theo các doanh nghiệp, sau 10 năm không áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, nhiều bất cập đã phát sinh, trong đó, ngành nông nghiệp và người nông dân là đối tượng gánh chịu. Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đã khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Điều này dẫn tới các chi phí này phải tính vào giá thành sản phẩm và đẩy giá phân bón tăng. 

Một bất cập khác được nhiều chuyên gia đề cập đó là sự bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế nên có lợi thế về giá so với các sản phẩm trong nước, đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế yếu ngay trên chính sân nhà của mình. Chính vì vậy, việc áp thuế VAT 5% với mặt hàng này là cần thiết.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phân bón là đầu vào sản xuất nông nghiệp, đầu ra là sản phẩm nông nghiệp; trong đó sản phẩm nông nghiệp cây trồng không chịu thuế đầu ra, người nông dân không được khấu trừ thuế đầu ra, phải chịu thuế đầu vào. Do đó, áp thuế suất 0% là hợp lý và tạo sự hài hòa, công bằng cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dự kiến, tại Kỳ họp tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Dù áp mức thuế 0%  hay 5% với mặt hàng phân bón, thì đó vẫn phải là những chính sách hoặc có những chính sách đi kèm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông dân phát triển và hơn hết phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa 3 nhà là nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông./.

Thực hiện: Thu Hương – Ngọc Toàn