Video Muôn màu cuộc sống

Bánh chưng đen của người Tày

Một món bánh đặc trưng văn hoá của người Tày, là biểu tượng cho phong tục truyền thống, sự đầm ấm vùng cao, bánh chưng đen là sự hòa quyện hương vị của núi rừng, của đất trời, của lòng người.
17:45 - 09/02/2021

Vào tháng 11 âm lịch trở đi, những người phụ nữ Tày đi tìm cây mạy piệt hay còn gọi là cây muối rừng. Chọn cây có nhiều chùm hoa, có nhiều muối, rồi chặt lấy thân cây đem về. Cây muối rừng là một nguyên liệu quan trọng để bắt đầu những công đoạn làm bánh chưng đen - món ăn mang đậm hương vị của dân tộc Tày. 

Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, người dân tộc Tày khá cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng, từ khâu chọn lá, lá dong phải chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Sau khi có đầy đủ các nguyên liệu cần thiết sẽ đến công đoạn gói bánh.

Bánh chưng đen được gói bằng tay, không dùng khuôn. Bánh dài khoảng 25cm, dùng lạt dài cuốn chặt. Kỹ thuật gói bánh chưng đen của mỗi gia đình đều có những nét riêng. Tuy nhiên, về cơ bản cách sắp xếp nguyên liệu làm bánh chưng đen tương tự với bánh chưng xanh người Kinh. Đầu tiên, trải lá dong ra, mặt xanh của lá sẽ là mặt ngoài để sau khi bánh chín, màu bánh đẹp hơn. Tiếp theo lớp gạo trải đều là hai miếng thịt làm nhân, rồi phủ tiếp một lớp gạo nữa lên trên. Kích thước bánh to nhỏ là tùy ý định của người gói bánh. Khâu gói bánh thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ.

Khi đã hoàn tất việc gói bánh, công đoạn luộc bánh chưng đen cũng trải qua 8-10 tiếng thì bánh mới nở đều, dẻo và ngon. 

Cách làm bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như chính người dân nơi đây nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh túy của đất trời và tấm lòng mà người gói bánh gửi gắm trong đó. Bánh chưng đen thường xuất hiện trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng thành kính, biết ơn tổ tiên đã phù trợ, che chở con cháu của gia đình. 

Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.