Video Tin trong nước

Bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

10:15 - 24/10/2024

BẢO ĐẢM NHÂN VĂN ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI

Đồng tình với việc ban hành Luật Tư pháp với người chưa thành niên, các đại biểu cho rằng, việc ban hành luật sẽ nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến các quy định ở khoản 4 điều 36 về xử lý chuyển hướng đối với người phạm tội là người chưa thành niên. Các đại biểu cho rằng, cần cân nhắc lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi và đặc điểm tâm sinh lý. 

Nêu quan điểm về nội dung ở Khoản 4 Điều 4: "Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng", có đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ nội dung học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng xử lý chuyển hướng. Nếu không có quy định chặt chẽ mà áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quá nhiều thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Điều 106 Dự thảo luật có quy định giải quyết trường hợp có việc tang, một trong những điều kiện giải quyết cho người chưa thành niên về gia đình là thân nhân gia đình có đơn xin bảo lãnh. Tuy nhiên, theo các đại biểu, khi hết thời gian được về gia đình, người chưa thành niên trốn thì cũng chỉ quy định hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm mà không quy định chế tài nào đối với thân nhân gia đình hay bản thân người chưa thành niên vi phạm cam kết. Do đó, quy định như vậy là không phù hợp, không đủ nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn về các nội dung quy định thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời rà soát, quy định chi tiết, cụ thể hơn khoản 11 Điều 4 quy định về người làm bảo vệ trẻ em cấp xã, đây là vị trí chưa có trong cơ cấu các địa phương. Đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng