Video Tin trong nước

Bão số 3: Minh chứng rõ nét về sự khốc liệt của biến đổi khí hậu

Gần nửa tháng đã trôi qua kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta. Dù chính quyền các cấp đã chủ động “đón” siêu bão này, nhưng người dân vẫn phải hứng chịu những thiệt hại to lớn, cho thấy, thiên tai ngày càng khốc liệt, khó đoán định.
19:32 - 20/09/2024

BÃO SỐ 3: MINH CHỨNG RÕ NÉT VỀ SỰ KHỐC LIỆT CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Gần nửa tháng đã trôi qua kể từ khi cơn bão số 3 (bão Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và trong 70 năm trên đất liền đổ bộ vào nước ta. Mặc dù chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương đã chủ động “đón” siêu bão này, vậy nhưng, tính tới ngày 17/9, bão số 3 đã khiến 329 người chết, mất tích; hơn 1.900 người bị thương; khoảng 234 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; hơn 307.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại... Điều này thêm một lần nữa cho thấy, thiên tai ngày càng khốc liệt, khó đoán định và để lại nhiều bài học về phòng, chống bão. 

Nhìn nhận lại bão số 3, từ khi bắt đầu hình thành cho tới khi quét qua nhiều nước khu vực Đông Nam Á, nhiều chuyên gia nhận định, đây là cơn bão có nhiều bất thường, chưa từng có trong tiền lệ. Đồng thời, là một cơn bão đặc trưng của hiện tượng La Nina và cũng là minh chứng rõ nét nhất về sự khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Cường độ bão tăng rất nhanh (trong 24 giờ tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Cùng với đó, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão số 3 không theo quy luật. Thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão yếu đi nhanh nhưng bão số 3 giữ cường độ siêu bão, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12 – 13, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Với cường độ mạnh như vậy, lần đầu tiên cơ quan khí tượng thuỷ văn của nước ta đã phải nâng mức cảnh báo rủi ro thiên tai do bão lên cấp 4 ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh; rủi ro thiên tai cấp 3 về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở Yên Bái, Lào Cai.

Không chỉ có những bất thường về cường độ, đường đi, lượng mưa đo được sau bão số 3 cũng ở mức cao kỷ lục. Chỉ trong vòng khoảng 5 ngày, tổng lượng mưa đo được ở các tỉnh, thành phía Bắc đã đạt mức trung bình khoảng 600mm, một số địa phương có lượng mưa lên tới 800mm. Con số này đã bằng lượng mưa trung bình trong 1 tháng. Lượng mưa lớn, lại tập trung trong 1 khoảng thời gian ngắn đã khiến mực nước trên các sông dâng nhanh và đạt mức kỷ lục của nhiều năm. Trong đó, đỉnh lũ trên sông Thao đo được tại Yên Bái đạt múc 35,73m vào ngày 10/9, trên mức báo động 3 là 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng hiếm thấy.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ dữ do mưa sau bão gây ra cũng đã rút đi, nhưng “vết thương” do bão gây ra vừa sâu, vừa rộng và sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể chữa lành. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo mới nhất về sự bất thường của thời tiết và sự khốc liệt của thiên tai./.

Thực hiện: Huy Vinh - Vân Anh - Ngọc Toàn