Khởi đầu bằng nghề làm đầu lân và đạo diễn các vở tuồng cổ, qua năm tháng bồi đắp tri thức văn hóa dân gian và tình yêu hội họa, đến bây giờ, ở tuổi ngoài 60, người đàn ông này trở lại với nghề vẽ mặt nạ dân gian thủ công. Loại mặt nạ do ông tự sáng tác khuôn mẫu.
Ngày ngày miệt mài thể hiện từng nét vẽ, nghệ nhận Bùi Quý Phong đã thổi hồn vào tác phẩm, chuyển tải thông điệp nhân văn, chân, thiện mỹ đến người xem.
Nghề chọn người và nghề cũng dạy nghề, trải qua những năm tháng ngẫm nghiệm về cuộc đời, con người, nghệ nhân Bùi Quý Phong có cảm hứng phác thảo ý tưởng thể hiện các tác phẩm mặt nạ độc đáo. Từ quá trình nghiên cứu, trau chuốt tỉ mỉ, nghệ nhân làm nên những chiếc mặt nạ với các chủ đề khác nhau, như mặt nạ trẻ em, mặt nạ hiện đại, tuồng cổ và mặt nạ dân gian. Để làm được mặt nạ phải trải qua nhiều công đoạn, từ đắp thạch cao, dán giấy bồi, quét vôi, quang giàu, phơi, vẽ, tô màu… Tuy nhiên để tạo hồn cho tác phẩm không phải là chuyện dễ, nhất là khi chiếc mặt nạ cần có thần thái và giá trị nghệ thuật dân gian, văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, những chiếc mặt nạ này đang đến gần hơn với đời sống, thông qua một quán cà phê mặt nạ thời gian của gia đình ông Bùi Quý Phong và những điểm trình nghề vẽ mặt nạ do Trung tâm VHTT – TTTH Hội An phối hợp với nghệ nhân hình thành ở Vườn Tượng An Hội. Tất cả trở thành những địa chỉ đầy tính nghệ thuật đối với du khách, mang đến những cảm nhận thú vị về mặt nạ thủ công Hội An.
Mặt nạ thủ công giá trị là vậy nhưng còn ít du khách sẵn lòng mua làm quà lưu niệm. Họ đến xem, tìm hiểu tay nghề của nghệ nhân là chính. Dù vậy, nghệ nhân Bùi Quý Phong vẫn vẹn nguyên niềm đam mê, sự hãnh diện, vì tài hoa của ông đang góp thêm màu sắc văn hóa riêng cho Hội An và văn hóa dân gian nói chung.
Những tác phẩm mặt nạ nghệ thuật dân gian và tấm lòng của nghệ nhân Bùi Quý Phong ở Hội An thật đáng trân quý.
Thực hiện: Lê Hiền – Minh Anh, CTV Hội An, Quảng Nam
Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.