Video Tin trong nước

Các đại dịch cúm trên thế giới từ 1918 - 2020

Ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đây không phải là đại dịch đầu tiên trên thế giới.
18:30 - 12/03/2020

Tiếp theo sau các đại dịch vào thời y học hiện đại chưa phát triển, tới thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thế giới vẫn phải nhiều lần chiến đấu tiếp với các đại dịch, cướp đi sinh mạng của hàng triệu, triệu người.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919: Đại dịch này còn có tên gọi là dịch cúm Tây Ban Nha, liên quan đến virus cúm H1N1. Chỉ trong vòng 18 tháng, căn bệnh này đã lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu, khoảng 500 triệu người (1/3 dân số thế giới vào thời điểm đó) bị lây nhiễm và 50 triệu người tử vong (nhiều hơn số người chết trong Thế chiến thứ nhất).

Đại dịch cúm châu Á năm 1956-1958: Cúm châu Á do chủng virus cúm A H2N2 gây ra khiến 2 triệu người thiệt mạng với các khu vực bị ảnh hưởng gồm Trung Quốc, Singapore và Mỹ. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển nhanh chóng của vaccine cũng như có sẵn thuốc kháng sinh mà sự lan rộng của chủng virus này đã bị hạn chế.

Đại dịch cúm Hong Kong năm 1968: Dịch cúm ở Hong Kong diễn ra từ năm 1968 - 1969 do virus cúm A H3N2 gây ra đã khiến 1 triệu người chết với các khu vực ảnh hưởng bao gồm: châu Á, Australia, châu Âu và Mỹ. Nhóm người dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em và người già với tỷ lệ tử vong cao.

Đại dịch cúm A H1N1 2009: 41 năm sau dịch cúm Hong Kong, năm 2009, một đại dịch cúm nữa xảy ra, là dịch cúm AH1N1. Dịch lan nhanh tới 214 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 18.000 người thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Năm 2010, WHO công bố đại dịch toàn cầu. Đây là đại dịch thứ hai liên quan tới chủng virus cúm H1N1 sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Dịch SARS năm 2003: Cũng là dịch cúm nhưng Dịch SARS năm 2003 đã không được WHO tuyên bố là đại dịch mặc dù ảnh hưởng đến 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, bởi lẽ sự lây lan của SARS được ngăn chặn nhanh chóng và chỉ một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng đáng kể, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Canada với số người nhiễm là hơn 8.000 người và hơn 770 người tử vong. 

Đối với dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Y tế ngày 11/3 đã tuyên bố đây là Đại dịch toàn cầu sau khi dịch bệnh lây lan nhanh tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới trưa ngày 12/3 giờ Việt Nam, dịch đã lan tới 106 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu với hơn 125.000 người mắc, hơn 4.600 người tử vong.

Trong buổi họp báo tại Geneva của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông  Ghebreyesus nêu rõ: "Đây là đại dịch đầu tiên do virus Corona gây ra. Việc coi sự bùng phát hiện nay của bệnh COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì WHO đang làm và điều các quốc gia cần phải hành động".

Trước đó, người đứng đầu WHO Ghebreyesus tin tưởng, "đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được"./.

Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.