Tán thành việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật còn bộc lộ một số bất cập do cơ chế, biện pháp bảo vệ hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, các quy định hiện hành không còn phù hợp ở một số nội dung.
Góp ý vào điều 7 của dự thảo luật về quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang nhấn mạnh, việc bổ sung nội dung này là vô cùng quan trọng bởi trong giao dịch người tiêu dùng là bên yếu thế, dễ bị tổn thương hơn so với bên sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khoản 2, điều 7 trong luật lại quy định quá chung chung, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn các quyền, chính sách ưu tiên bảo vệ phù hợp với người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Đối với quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có ý kiến cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, quy chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phạm vi sửa đổi của Luật, đa số ý kiến đề nghị cần định vị rõ hơn vị trí của Luật trong hệ thống pháp luật; tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.