Thủ tướng cũng cho biết, cần tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Trong lúc khó khăn, dịch bệnh toàn cầu, cả nước phải chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả và có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, từng địa phương phải thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và vướng mắc về thể chế.
Về giải pháp phục hồi kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm thu nhập, bảo đảm đời sống của nhân dân. Điều hành chính sách tài khóa tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả để kích thích tổng cầu. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Có cơ chế chính sách phù hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư nhân và FDI, đẩy mạnh tiêu dùng cả thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là khâu quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Về tiền tệ và tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này. Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho vay khẩn cấp đối với các doanh nghiệp lớn chịu ảnh hưởng của Covid-19 và có chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các ngành các cấp các địa phương không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa trong các điều kiện dịch bệnh, không để quy trình thủ tục hành chính gây khó doanh nghiệp xuất nhập khẩu để xuất nhập khẩu có thể cán mốc trên 500 tỷ đô la Mỹ hoặc cao hơn, trong đó giữ xuất siêu là chủ yếu. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong đó xem xét thời gian quy định quá chặt chẽ đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động gặp khó khăn hay không?./.
Thực hiện: Vũ Khuyên – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.