Video Tin trong nước

Cân đối nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo chương trình còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt là việc bố trí nguồn vốn triển khai.
06:53 - 20/06/2024

CÂN ĐỐI NGUỒN VỐN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Qua giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay cho thấy, việc bố trí vốn của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi còn khó khăn. Vì vậy, nếu ở chương trình này cũng cơ cấu nguồn vốn đối ứng của các địa phương thì sẽ gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Các đại biểu đã đề nghị làm rõ cơ sở bố trí nguồn vốn giai đoạn 2 của chương trình, bởi hội đồng thẩm định dự án cấp nhà nước cũng nhận định chưa có cơ sở bố trí vốn giai đoạn 2026-2030. Bên cạnh đó, năm 2025 mới là thời điểm xây dựng khung chính sách của chương trình. Vì vậy, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ sở bố trí vốn vào thời điểm này.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong quá trình xây dựng chương trình, Ban soạn thảo đã tính toán kỹ lưỡng khi đưa ra 10 nhóm nội dung thành phần về phát triển văn hóa. Về vấn đề phân cấp nguồn vốn đầu tư cho địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, con số 24% nguồn vốn là đối ứng của địa phương là con số tính trung bình chứ không phải cào bằng.

Đối với sự băn khoăn của các đại biểu về sự trùng lặp với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, nếu được Quốc hội thông qua thì đến năm 2025 chương trình sẽ được triển khai. Khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã kết thúc thời gian thực hiện./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng