Nhấn mạnh, đây là 2 dự án có ý nghĩa chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn của 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng, cần có thêm những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu khẳng định, việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc đa mục tiêu. Thứ nhất đó là biện pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công là giải pháp kinh điển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế nước nào cũng phải áp dụng. Thứ hai sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, để 2 dự án này thực sự trở thành công trình hình mẫu, công trình “để đời cho con cháu” thì cần có những đột phá về tư duy phát triển.
Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, một số đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ, bởi nếu khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn.
Cũng tại phiên thảo luận, giải trình, làm rõ vấn đề tính cấp thiết của 2 dự án mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là 2 dự án đặc biệt quan trọng về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng chủ trương đầu tư, mục tiêu của 2 dự án này đã có sự thay đổi về cách tiếp cận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ…
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.