Tại phiên thảo luận về Dự án Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, cần tăng cường bảo vệ lao động bằng cách giao thêm thẩm quyền, trách nhiệm cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đảm bảo cho người lao động làm việc ở nước ngoài và trở về nước được an toàn là vấn đề cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mặt khác, Dự án Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cần có thêm quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Về giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, một số đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này, không nên tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, mà cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra; Đồng thời cần nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định “hậu kiểm” phù hợp.
Ngoài ra, cần đưa ra những giải pháp để hạn chế doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Không nên quy định thời hạn đối với việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu sau 5 năm, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài trong khi lao động vẫn đang tiếp tục làm việc ở đó.
Trước đó, cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Xây dựng./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.