Video Tin trong nước

Cần thêm giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Tuần qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.
08:23 - 02/06/2024

Theo các đại biểu, một trong những lo lắng lớn nhất hiện nay đó la tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 5 năm, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là yếu tố có tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề địa chính trị làm ảnh hưởng tới sự vận hành chung của thị trường, nhiều đại biểu cũng cho rằng, vấn đề quản lý cũng đang là một nút thắt cần giải quyết.

Đánh giá cao 11 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Những nút thắt đã được chỉ rõ, các giải pháp tháo gỡ cũng đã được đưa ra, nhưng theo các đại biểu, trong quá trình triển khai cũng cần có sự linh hoạt nhất định.

Đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để Luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng