Nhiều đại biểu cho rằng, cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị cao để tăng năng suất lao động.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội đề nghị, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các Tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần hình thành hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để triển khai và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số. Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực có chất lượng, tuy nhiên, chính sách, kế hoạch cân đối chuẩn bị nguồn nhân lực không được thực hiện ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc ở nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu thì các báo cáo lại tiếp tục đánh giá tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Một số đại biểu cũng nhận định, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn cần sửa đổi Luật Khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn, đổi mới. Đồng thời, phân bố ngân sách khoa học công nghệ cho các địa phương ít nhất gấp 2 lần hiện nay.
Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.