Video Tin trong nước

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đáp ứng đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn

Sáng 01/11, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo đánh giá của các ĐBQH, Chương trình đã đáp ứng đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
16:11 - 02/11/2024

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA  ĐÁP ỨNG ĐỦ CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ, KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 gồm có 07 mục tiêu tổng quát; nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 dự kiến 134.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025; giai đoạn 2026-2030; giai đoạn 2031-2035.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng việc triển khai Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính khả thi của mục tiêu đến năm 2035 là phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước…

Trong các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cần tạo đột phá trong phát triển văn hóa, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước. Theo các đại biểu, thực hiện mục tiêu số 6 là “100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa” là khó khả thi.

Để đạt mục tiêu về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, có ý kiến đề nghị: nâng chỉ tiêu cơ sở giáo dục trên toàn quốc, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ học đường cho học sinh, sinh viên:

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, nội dung này đã được Bộ giáo dục đào tạo đề xuất, với mong muốn con người phát triển toàn diện và các nội dung giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa thực chất đã có trong chương trình giáo dục phổ thông. Thực tế một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn. Tuy nhiên đã có nhiều giải pháp được đưa ra và được triển khai, vì vậy, các nội dung đề xuất là phù hợp với Chương trình giao dục phổ thông./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng