Cơ chế, chính sách đặc thù thì cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ
Cơ bản nhất trí với các cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, đây là những cơ chế, chính sách vượt trội so hoặc khác so với các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc thù thì cũng cần có những cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hữu hiệu đi kèm, tránh việc lạm dụng chính sách hoặc thực hiện không đúng phạm vi của Nghị quyết. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ hơn về tính cấp bách của Nghị quyết.
Cho rằng, phạm vi chính sách được đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định là rất rộng, do đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn của các chính sách mới bổ sung này, đặc biệt là rà soát lại các quan điểm đã được nêu trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhấn mạnh, hiện nay đã có nhiều địa phương xin cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính tự chủ, có sự bứt phá về kinh tế, xã hội thì liệu còn nguyên nhân nào khác không?
Về cơ chế chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị, nhiều đại biểu cho rằng, các cơ chế này sẽ góp phần khắc phục một số hạn chế trong khai thác lợi thế chênh lệch địa tô từ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần tăng thêm nguồn lực cho NSNN; đồng thời, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong thu hồi đất để khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng đất sau khi đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định việc thu hồi, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng