Cổng làng trong phố: Di sản của Thủ đô Hà Nội
Cổng làng là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, có vai trò và chức năng thể hiện khát vọng, ước mơ của người dân trong làng. Ngoài sự tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của con người thì cổng làng còn là vách ngăn, một thứ phân tầng của xã hội Việt Nam. Nó là sự phân định giữa bên trong và bên ngoài.
Cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương mà toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Có những cổng làng làm hai tầng (cổng thượng gia hạ môn), có những cổng làng một tầng (gọi là cổng một gian). Dường như chỉ cần bước qua ranh giới cổng làng là người ta có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa đi và ở, giữa quê và phố, giữa an nhiên và xô bồ...
Không khó để bắt gặp hình ảnh cổng làng ở ngoại thành Hà Nội nhưng ngay giữa nhịp sống ồn ào, tấp nập giữa lòng thủ đô, những chiếc cổng làng trong phố như cổng làng Yên Thái thực sự là “dấu xưa còn được chút này”. Đối với người dân Kẻ Bưởi, nơi đây không chỉ là quê nhà mà còn là niềm tự hào, nét văn hóa, lịch sử mà họ luôn tự hào để gìn giữ và bảo tồn.
Những cổng làng ấy cổ kính, trầm mặc nơi phố thị, ngay cạnh những công trình hiện đại như một sự khẳng định về truyền thống lịch sử của làng xưa kia. Cũng nhờ có những cổng làng mà giữa phố đông ta vẫn có cảm giác mình không bị cuốn trong nhịp sống hối hả này.
Giữa tốc độ đô thị hoá nhanh như thủ đô Hà Nội hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn những chiếc cổng làng cũng chính là giữ ký ức, truyền thống lịch sử bởi đó vừa là vật chứng sống, vừa là công trình có giá trị thẩm mỹ cao, là nét lưu dấu của phố phường, làng xã Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Đây chính là điểm nhấn để người dân hay du khách đều được đắm mình trong vẻ đẹp không nhiều còn sót lại của cả chiều dài nghìn năm hình thành và phát triển đất Kinh kỳ./.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh