ĐÀI HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 468 – TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ CỦA MIỀN “ĐÁ NỞ HOA”
Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, điểm cao 468 được coi là chiến trường ác liệt nhất. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sỹ chưa tìm thấy và quy tập; hàng ngàn héc-ta đồi núi vẫn còn vật liệu nổ của những trận địa hai bên chiến tuyến.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kiên cường và vĩ đại của dân tộc. Tại điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt năm xưa giờ đã phủ bạt ngàn màu xanh của cây cối. Nơi đây sừng sững một đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương tổ quốc, quê hương.
Đài hương 468 được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2, bao gồm một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác, là nơi để thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh, người dân thập phương đến thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Đến từ mảnh đất xa xôi của phương nam, những du khách này lần đầu đặt chân lên điểm cao 468 linh thiêng. Họ đến đây với tấm lòng thành kính và mang trong mình sự biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Hơn 40 năm đã trôi qua những vết thương đã lành, chiến tranh đã lùi xa, các anh cũng đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, song những ký ức về hàng nghìn người con đất Việt anh dũng, kiên cường “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” là những lời răn cho các thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của cuộc sống hoà bình.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khép lại và lùi dần vào quá khứ, nhưng dưới mỗi tấc đất nơi đây vẫn còn có một phần xương thịt những chiến sĩ quả cảm đã hy sinh vì Tổ quốc. Để khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ ở điểm cao 468 bề thế, trang nghiêm không chỉ là nơi để đồng đội về thắp nén tâm hương mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần lan tỏa những giá trị trường tồn cho các hế hệ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc thân yêu./.
Thực hiện: Thế Hùng – Ngọc Toàn