Đài Tiếng nói Việt Nam 78 năm đồng hành cùng đất nước
Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và được Hồ Chủ tịch nhấn mạnh vai trò quan trọng trong cả đối nội và đối ngoại, “Tiếng nói Việt Nam” đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc qua nhiều chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng, để rồi trở thành “Tiếng nói của non sông”, của độc lập - tự do, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Trong Chương trình phát sóng vào trưa ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam có lời chào ra mắt: “Thưa đồng bào toàn quốc và thính giả thân mến! Bắt đầu từ hôm nay, ngày 7/9/1945, Tiếng nói của Việt Nam chính thức ra mắt đồng bào trong cả nước và các bạn thính giả khắp năm châu… Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có thủ đô của mình là Hà Nội và hôm nay cất tiếng nói chính nghĩa của mình, đấu tranh cho nền độc lập non trẻ vừa giành lại, đồng thời góp phần cùng tiếng nói của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới đấu tranh cho dân chủ, hòa bình, hữu nghị và bình đẳng giữa các dân tộc…”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và nhân dân. Những thông tin của Đài đã kịp thời cổ vũ, động viên quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, những cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài lại tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc, phản ánh khí thế thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Trải qua hơn 7 thập kỷ phát triển cùng với sự lớn mạnh của dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không ngừng đổi mới và phát triển. Từ chỗ chỉ làm phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, có 4 loại hình báo chí với gần 3.000 cán bộ công nhân viên. Ngoài 9 kênh phát thanh như VOV1, VOV2, VOV3, VOV4, VOV5, VOV6, VOV Giao thông, VOV Tiếng Anh 24/7, VOV FM89, Đài tiếng nói Việt Nam còn phát triển thêm nhiều loại hình báo in, báo điện tử, truyền hình góp phần đưa Đài Tiếng nói Việt Nam không chỉ là một cơ quan mạnh về tiếng nói mà còn là cơ quan làm truyền hình giỏi, phát triển theo hướng đa loại hình, đa phương tiện./.