ĐBQH lo ngại việc tăng thuế GTGT với sản phẩm văn hóa, thể thao
Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật).
Việc tăng thuế giá trị gia tăng với hoạt động văn hóa khiến nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi rằng ngành công nghiệp văn hóa vốn đã gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 liệu có vướng thêm “rào cản” vì thuế hay không…
Đồng quan điểm với đại biểu Trần Thị Thu Đông, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng văn hóa cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong kỷ nguyên mới của đất nước, do đó, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa. Đầu tư cho văn hóa sẽ có tác động phát triển du lịch, kinh tế. Vì vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, đây là giai đoạn rất cần “chấn dân khí” vì một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, rất cần ủng hộ, khuyến khích có những sản phẩm văn hóa của người Việt Nam cho người Việt Nam và vì người Việt Nam, để từ đó có thêm tình yêu, có thêm niềm tin và có thêm niềm tự hào đối với sự phát triển văn hóa của dân tộc.
Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là một chính sách tài chính, mà còn là một bước tiến quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước. Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, nước ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.
Thực hiện: Thu Hương - Quốc Hùng