Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện đang phải trả một cái giá rất đắt về sức khỏe do chất lượng không khí ở mức xấu. Tình hình đặc biệt tệ ở Hà Nội. Việt Nam thường xuyên ghi nhận chỉ số chất lượng không khí cao hơn rất nhiều so với mức an toàn mà WHO khuyến nghị. Đây là một vấn đề lớn bởi tất cả chúng ta ai cũng cần phải hít thở. WHO ước tính, có ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh gây ra bởi ô nhiễm không khí. Tức là cứ 7 phút rưỡi sẽ có một người tử vong. Con số này gấp đôi tổng số người đã chết ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID-19.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước.
Theo Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội, hiện thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí và sự suy giảm chất lượng không gian sống. Hà Nội đang có những hành động bảo vệ môi trường thiết thực trong cộng đồng như: giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, không đốt rơm rạ và rác thải trái qui định để giảm thiểu ô nhiễm không khí…vv. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt và chưa tìm được căn nguyên. Vì thế, các cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết đang lên kế hoạch để kiểm đếm nguồn phát thải, từ đó mới có giải pháp cụ thể.
Theo các chuyên gia, để không khí sạch, thành phố xanh, thì không chỉ cơ quan chức năng, các chuyên gia vào cuộc mà trước hết, mọi người dân cùng chung tay hành động bằng cách hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế khói bụi, không xả rác bừa bãi và cũng chung tay, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường./.
Thực hiện: Cao Thắng – Chí Phương