3 tháng nghỉ việc không lương, không nguồn thu nhập, chị Thu Vân, một cô giáo dạy mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội phải xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ từ những nhà hảo tâm để duy trì cuộc sống của 3 mẹ con những ngày dịch giã khó khăn hiện nay.
Làm việc không có giao kết hợp đồng, nay mất việc, không có thu nhập để nuôi 2 con nhỏ, trong đó có 1 cháu dưới 6 tuổi, cuộc sống bấp bênh nhưng trường hợp của chị Thu Vân không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 dành cho những lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.
Thực tế, những trường hợp như chị Thu Vân khá phổ biến. Đó là những lao động không có hợp đồng, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khiến người lao động không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, mất quyền lợi bảo hiểm xã hội và mất cả quyền được hỗ trợ an sinh xã hội theo quy định.
Để chính sách đi vào cuộc sống, mới đây, Ban Dân vận Trung ương kiến nghị việc hỗ trợ người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội như lao động tự do theo khoản 12, mục 2, Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo đó, người lao động trong trường hợp này được nhận hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần.
Nhằm hỗ trợ những đối tượng thuộc diện này, nhiều phường đã thành lập hội đồng xét duyệt, với vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở trong việc tìm hiểu những trường hợp khó khăn trên địa bàn mình, rà soát và lên danh sách để gửi lên phòng LĐ,TB&XH làm căn cứ xét chi trả.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, sẽ có thêm nhiều trường hợp lao động không có giao kết hợp đồng mất việc do dịch bệnh tiếp cận được gói hỗ trợ kịp thời theo Nghị quyết 68 để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.