+Từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 533 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 4 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ theo hai hình thức cá nhân và đơn vị. Việc ban hành Nghị định 162/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động này đã kịp thời, động viên đối với lực lượng này, góp phần đảm bảo cho các lực lượng của Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và LHQ giao.
Tuy nhiên, đến nay nghị định này cũng bộc lộ một số bất cập như chưa bao quát hết đối tượng được áp dụng do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chế độ, chính sách ưu tiên cho lực lượng nữ chưa toàn diện và chưa mang tính khuyến khích cao; công tác bảo đảm đối với tổ chức, đơn vị chưa tương xứng và chưa phù hợp với mỗi loại hình đơn vị theo quy định; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo bồi thường, hồi hương lực lượng Việt Nam trong trường hợp vi phạm kỷ luật tại phái bộ; chưa có quy định và hướng dẫn chế độ trợ cấp địa bàn cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến - Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo BQP về tham gia hoạt động GGHB LHQ giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thường xuyên cử lực lượng tham gia GGHB LHQ ở cả loại hình cá nhân và đơn vị, bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh, cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng, nhất là liên quan đến chế độ, chính sách theo Nghị định 162 để quán triệt cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ. Đồng thời, xin ý kiến các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 162 theo trình tự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Chí Phương