Đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn có làm gia tăng vi phạm?
Theo dự thảo nghị định, Bộ Công an vẫn đề xuất 3 mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, đã đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Cụ thể, mức phạt tiền với hành vi này là từ 800.000 đồng đến 1.000.000, so với mức phạt 6-8 triệu đồng với lái xe ô tô và 3-5 triệu đồng đối với người lái xe máy đang áp dụng hiện nay. Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên quy định xử phạt tiền như trong Nghị định 100, chỉ đề xuất thay đổi quy định tước GPLX thành quy định trừ điểm GPLX.
Trước đề xuất này của Bộ Công an, dư luận đang có ý kiến trái chiều. Những ý kiến đồng tình với dự thảo quy định nêu trên của Bộ Công an cho rằng phù hợp với với thu nhập của người dân, và phạt để nhắc nhở, để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nếu hạ mức phạt xuống sẽ tái diễn tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia, dẫn đến tai nạn giao thông tăng sẽ trở lại. Quan điểm của các chuyên gia cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Lý giải về đề xuất này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, quá trình nghiên cứu, Bộ Công an đã tiếp thu những ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu thì trong vòng một giờ đồng hồ, đo được dưới ngưỡng 0,25 miligam/lít khí thở. Do đó, Bộ cũng tham khảo, tiếp thu từ khuyến cáo này.
Dự thảo đang được lấy ý kiến và sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ./.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh