Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia đã thảo luận những giải pháp cả về chính sách và hệ thống kỹ thuật để có thể thực hiện “hộ chiếu vaccine” trong tương lai, góp phần tạo điều kiện thuận lợi đón người Việt Nam từ nước ngoài về nước. Các ý kiến đều nhấn mạnh, tinh thần chung phải đảm bảo an toàn là trên hết. Việc chuẩn bị các điều kiện để tiến tới chấp nhận “hộ chiếu vaccine” cần dựa vào những chính sách chung của các nước trên thế giới.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe Bộ Thông tin và Truyền thông, một số nhà mạng và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng bàn về các giải pháp kỹ thuật. Một số nhà mạng đề xuất phương án tích hợp tình trạng tiêm vaccine Covid-19 của người nhập cảnh vào nội dung tờ khai y tế bắt buộc…Còn với người dân trong nước, sẽ cấp mã QR code cho từng trường hợp đã tiêm vaccine Covid-19 và tích hợp vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân để có đủ dữ liệu nếu cần chứng nhận đã tiêm chủng khi xuất cảnh…
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, “hộ chiếu vaccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế, cho phép người có "hộ chiếu vaccine" không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19). Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua mã QR code.
Liên quan những trường hợp sốc phản vệ tương đối nặng xảy ra sau khi tiêm vaccine Covid-19 tại nước ta trong những ngày qua, Bộ Y tế khẳng định, nhờ thực hiện khám sàng lọc kỹ càng và theo dõi chặt chẽ các trường hợp sau tiêm nên những trường hợp bị phản vệ thời gian qua không nguy hiểm tính mạng. Bộ Y tế vẫn tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Dự kiến ngày 25/3 tới, 1 triệu 300 nghìn liều vaccine nữa sẽ về đến Việt Nam.
Thực hiện: Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.