Đề xuất phải có chỗ ở tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú: Liệu có hợp lý?
Gia đình chị Tươi, anh Vĩnh có 4 người xuống Hà Nội sinh sống được gần 10 năm nay. Vì điều kiện kinh tế không cho phép, gia đình chị thuê một phòng trọ có diện tích gần 40m2 với giá 5 triệu/thang ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chị cho biết, với quy định diện tích tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú sẽ là một áp lực lớn đối với gia đình chị.
Cũng như chị Tươi nhiều công nhân đang thuê trọ khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng băn khoăn về dự thảo này của Hà Nội, bởi với họ, đồng lương hàng tháng đã eo hẹp, kèm theo đó là rất nhiều chi phí sinh hoạt nên không thể thuê một căn phòng rộng.
Mục đích của TP Hà Nội đưa ra quy định này nhằm giảm tải quy mô dân số ở khu vực nội thành, ảnh hưởng đến hạ tầng. Hà Nội có Luật Thủ đô riêng, nhưng Luật Cư trú năm 2020 cho phép công dân Việt Nam có quyền tự do về nơi ở và quy định về việc đăng ký thường trú khi đủ điều kiện nơi ở là 8m2/người. Thông tư số 09/2021 của Bộ Xây dựng cũng không quy định về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu đối với phòng ở, nhất là phòng trọ cho thuê.
Còn theo chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị, để kiểm soát gia tăng cơ học về dân cư khi sức hút đô thị ngày càng lớn cần một nhóm giải pháp đồng bộ. Việc quy định diện tích ở tối thiểu là cần thiết, đảm bảo điều kiện, chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, để hiệu quả, không chỉ quy định mà quá trình quản lý mới đóng vai trò quyết định.
Việc “siết” điều kiện thường trú vốn chỉ giảm được nhập hộ khẩu, chứ không giảm được nhập cư. Điều quan trọng là giải pháp đồng bộ để đảm bảo người dân có thu nhập ổn định ngay tại địa phương, thay vì về thành phố lớn mưu sinh. Khi đó sẽ hạn chế được việc bất đắc dĩ phải đưa ra những “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát gia tăng dân số cơ học như hiện nay./.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh